Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Thông tin tuyên truyền

Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng - nhân tố quyết định trong xây dựng nông thôn mới

07/07/2016 00:00 36 lượt xem

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 5/8/2008, "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã khẳng định: "Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội..." Do đó, các cấp ủy đảng nói chung, tổ chức cơ sở đảng nói riêng đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở, thúc đẩy tiến trình thực hiện nông thôn mới hiện nay. Qua 3 năm triển khai và thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực và chủ động của người dân khắp các địa phương trong tỉnh.

 Phát triển xã hội nông thôn là cơ sở, mục tiêu, cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, tổ chức cơ sở đảng có vai trò trọng yếu là định hướng để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thoát nghèo, từng bước tiến đến làm giàu. Chính vì vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, cần có sự hợp lực của toàn xã hội, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của các cấp lãnh đạo, quản lý, trong đó có các tổ chức cơ sở đảng mà cụ thể và trực tiếp là các tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn. Năm 2013, Chương trình xây dựng nông thôn mới được BCH Đảng bộ tỉnh tập trung chủ yếu vào chỉ đạo thực hiện kế hoạch đột phá đầu tư hạ tầng Kinh tế - Xã hội, lấy chủ đề “Nhà sạch, vườn đẹp, làm đường giao thông nông thôn” làm nội dung trọng tâm xuyên suốt với tổng nguồn vốn được giao là trên 72 tỷ đồng. Đến nay, đã có 161/176 xã công bố quy hoạch xã NTM và cắm mốc quy hoạch được 121 xã. Riêng trong quý I năm 2014, các huyện, thành phố đã vận động đảng viên và nhân dân hiến trên 41.500 m2 đất, đóng góp hơn 25.500 ngày công lao động để mở mới trên 8.700m đường đất, đá, làm mới gần 5.700m đường bê tông nông thôn. Đồng thời triển khai thực hiện được 27 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư trong sản xuất nông nghiệp và các nhóm sở thích. Đối với xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên được tỉnh chọn là xã điểm thực hiện, đến nay đã đạt 16/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.

 
Sau 3 năm triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã kiến tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, dần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho nông dân. Nhờ đó, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có sự thống nhất, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những tấm gương hiến đất xây dựng các công trình công cộng ngày một nhiều hơn và hình thành phong trào thi đua tích cực ở hầu khắp các địa phương. Xác định cán bộ, Đảng viên phải là những người gương mẫu, tiên phong, nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới. Nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền, Đảng viên luôn luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, kiên trì thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, hạn chế tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực nhà nước so với trước đây. Giúp người dân tin tưởng, chủ động tham gia xây dựng, phát triển Nông thôn mới.
 
Thực tế đã khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Xây dựng nông thôn mới là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X “Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực nông thôn. Với huyện Vị Xuyên, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung phát huy tối đa nguồn lực của Đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện chương trình. Trong 4 xã điểm của huyện là Tùng Bá, Phú Linh, Linh Hồ, Trung Thành cơ bản đã đạt từ 6 đến 12 tiêu chí. Sau 3 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn của huyện Vị Xuyên đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,6 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó chính là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp phát triển Kinh tế, VH-XH, xây dựng NTM. Trong đó sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn luôn đóng vai trò then chốt.
 
Xác định rõ vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM nên cấp ủy, Chi bộ các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về trách nhiệm và quyền lợi tham gia xây dựng NTM. Để mọi người đều hiểu rõ xây dựng NTM là làm cho chính mình, người dân là chủ thể trực tiếp tham gia, được hưởng lợi và có trách nhiệm đóng góp xây dựng. Từ kết quả đó đã tạo sự đồng thuận cao, huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Các ngành, các địa phương đã nỗ lực cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới bằng cách vừa học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, vừa tìm những hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế. Có thể khẳng định, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới cho đến nay thì tư duy và thực tế sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh đã có bước tiến bộ vượt bậc, đời sống hộ nông dân đã nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.
 
Điều đặc biệt đối với Hà Giang, xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Mà xây dựng nông thôn mới đã quan tâm chú trọng tới xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Không chỉ tuyên truyền để người dân hiểu và cùng hành động tạo nên sự đổi mới, chính đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và đảng viên phải làm gương, phải bắt tay cùng người dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới nói chung. Khi chính quyền cùng đồng hành với người dân đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang đang dần được hoàn thiện dù vẫn còn nhiều nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Các gam màu tối đang dần được thay thế bằng những gam màu sáng. Những thành công trong chặng đường vừa qua ghi dấu sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
 
Qua 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần tích cực tạo sự chuyển biến làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn ở các xã thực hiện thí điểm của tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông, lâm sản,… bắt đầu hình thành và phát triển theo hướng tập trung, chuyên canh, có tính hàng hoá cao hơn, giúp bà con nông dân thoát nghèo bền vững hơn, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; an ninh, trật tự theo tiêu chí nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu. 
 
Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và là sự nghiệp của toàn thể nhân dân, mục tiêu của nó là thúc đẩy sự phát triển toàn diện nông thôn, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, làm cho đời sống của người nông dân từng bước nâng cao, sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại, nông thôn ngày càng thịnh vượng, đất nước ngày càng phồn vinh. Để làm được điều này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và đặc biệt là vai trò của các tổ chức chính trị, trong đó có tổ chức cơ sở đảng, bởi tổ chức cơ sở đảng chính là hình tượng, là sức mạnh, là hạt nhân của Đảng ở nông thôn. Kiện toàn và phát huy vai trò, năng lực của tổ chức cơ sở đảng sẽ là động lực vô cùng to lớn trong chiến lược xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay./.


Tin khác